Giữa hàng trăm hàng ngàn bài viết mới được xuất bản mỗi ngày, điều gì làm cho một bài viết trở nên nổi bật và dành được vị trí cao trên trang kết quả tìm kiếm? Hãy cùng “giải phẫu” những bài viết hàng đầu này để tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Báo cáo từ nghiên cứu “Content Marketing Survey” của Semrush cho biết, 70% nhà tiếp thị đo lường hiệu suất nội dung dựa vào lưu lượng truy cập, 38% trên lượt chia sẻ trên mạng xã hội và 31% dựa trên backlink. Vậy đặc điểm nội dung nào có thể giúp tăng số lần xem trang và làm cho bài đăng trên blog dễ được chia sẻ và liên kết hơn?
Tất nhiên, hiệu suất của văn bản quảng cáo được đánh giá trước hết bởi tính nguyên bản và mức độ liên quan của nó, nhưng các yếu tố như số lượng từ, dòng tiêu đề, cấu trúc và hình ảnh cũng có vai trò nhất định của chúng.
Thông qua việc phân tích lưu lượng truy cập, backlink và lượt chia sẻ trên mạng xã hội của hơn 1.200.000 bài viết được xuất bản trên các blog có từ 30.000 đến 500.000 phiên và loại bỏ các bài báo được xuất bản sau tháng 6 năm 2020. Bài viết sẽ chỉ ra mối tương quan giữa các chỉ số, các yếu tố và đặc điểm văn bản khác nhau. Bao gồm:
- Độ dài (tức là số từ)
- Dòng tiêu đề (bao gồm các loại dòng tiêu đề và độ dài H1)
- Cấu trúc (bao gồm độ sâu tiêu đề và sự hiện diện của danh sách)
- Nội dung trực quan (bao gồm hình ảnh và video)
Phát hiện chính của nghiên cứu
- Longreads (các nội dung dài hơn 7.000 từ) dẫn đầu tuyệt đối về hiệu suất nội dung, chúng thúc đẩy lưu lượng truy cập nhiều hơn gần 4 lần so với các bài báo có độ dài trung bình (900-1.200 từ).
- Hơn một nửa số bài đăng có cấu trúc phức tạp (h2 + h3 + h4) có hiệu suất cao về lưu lượng truy cập và mức độ tương tác. 44% bài đăng có cấu trúc đơn giản (h2 + h3) cũng có hiệu suất cao. 39% văn bản không có cấu trúc nào (không có h2) có hiệu suất thấp về lưu lượng truy cập và mức độ tương tác.
- Các bài đăng chứa ít nhất một danh sách trên mỗi 500 từ văn bản thuần túy nhận được nhiều hơn 70% lưu lượng truy cập so với các bài đăng không có danh sách.
- Những dòng tiêu đề dài từ 10 đến 13 từ có lưu lượng truy cập gấp đôi và nhiều lượt chia sẻ hơn 1,5 lần so với những dòng tiêu đề ngắn hơn (<7 từ).
- Các bài đăng có ít nhất một hình ảnh nhận được lượng truy cập gấp đôi so với các bài đăng chỉ chứa văn bản. Những bài viết chứa hình ảnh cũng nhận được nhiều hơn 30% lượt chia sẻ và 25% số lượng backlink.
Độ dài nội dung
Một nghiên cứu năm 2019 từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Đan Mạch cho thấy rằng, sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội và chu kỳ tin tức sôi nổi đã làm cho phạm vi chú ý tập thể thu hẹp dần. Ngoài ra, độ dài trung bình của bài đăng đã tăng khoảng 42% từ năm 2014 đến 2018, từ 800 từ lên 1.151 từ.
Kết quả chính: Những bài viết có hơn 7.000 từ mang lại lưu lượng truy cập nhiều hơn gần 4 lần và lượt chia sẻ nhiều hơn 43% so với các bài báo có độ dài trung bình (900-1.200 từ). Trong khi đó, các bài viết ngắn (300-900 từ) nhận được ít hơn 21% lưu lượng truy cập và ít hơn 75% số lượng backlink so với các bài viết có độ dài trung bình (900-1.200 từ).
Kết quả chính: Các bài viết từ 300 đến 900 từ nhận được rất ít lượt chia sẻ, trong khi đó, hơn 80% bài viết có từ 7.000 từ trở lên được chia sẻ.
Mặc dù nội dung dạng dài đang là “người chiến thắng”, nhưng điều quan trọng cần hiểu là chỉ viết các bài dài không đảm bảo thành công cũng như tự động mang lại cho bạn nhiều lưu lượng truy cập hơn.
Thật vậy, longreads có thể hoạt động tốt hơn bởi vì chúng cung cấp cho người dùng thông tin chuyên sâu về chủ đề chứ không phải vì chúng chứa nhiều từ hơn. Khi tạo văn bản quảng cáo, hãy tập trung vào các yếu tố cốt lõi của nội dung, chẳng hạn như tính độc đáo và hấp dẫn của văn bản, nghiêm túc nghiên cứu và sử dụng các thông tin có liên quan thay vì cố nhét chữ vào văn bản chỉ để đủ số lượng.
Điều này cũng liên quan đến những gì người dùng của bạn đang tìm kiếm. Nếu người dùng chỉ muốn có một câu trả lời ngắn gọn cho một câu hỏi cụ thể, thì việc đọc một bài viết kéo dài 20 phút sẽ chỉ khiến họ khó chịu và nhanh chóng thoát trang. Trong những trường hợp như vậy, một bài viết ngắn sẽ có lợi hơn, vì vậy hãy chắc chắn phân tích ý định của người dùng và hiểu nhu cầu của họ trước khi bắt đầu viết.
Tiêu đề
Dòng tiêu đề là một trong những yếu tố quan trọng nhất của bài viết, đóng vai trò như một cửa sổ dẫn đến nội dung. Tiêu đề này có thể quyết định đến việc người dùng có mở bài viết hay không.
Dưới đây là một số cách tiếp cận khác nhau mà bạn có thể áp dụng:
Các loại tiêu đề
Có nhiều cách khác nhau để tìm tiêu đề phù hợp cho một bài đăng trên blog: bạn có thể chọn một câu hỏi phổ biến được hỏi trên mạng hoặc đưa ra hướng dẫn giải quyết một vấn đề cụ thể.
Nghiên cứu đã cố gắng tìm ra tiêu đề nào giúp bạn nhận được nhiều lượt xem trang, backlink và lượt chia sẻ nhất.
Kết quả chính: Loại tiêu đề liên quan đến “Danh sách” (Lists) nhận được lưu lượng truy cập nhiều hơn 80% so với các loại bài viết khác.
Theo New Yorker, có ba đặc điểm chính làm cho listicles (là các dạng viết ngắn được trình bày theo cấu trúc một danh sách có đánh số hoặc các tiêu đề phụ) trở nên “quyến rũ” và thu hút đối với bộ não của chúng ta, bao gồm:
- Những tiêu đề này nổi bật vì chúng thường chứa các con số.
- Chủ đề chính được đặt trong một danh mục hoặc hệ thống phân loại.
- Thông tin đáng tin cậy và được tổ chức tốt.
Kết hợp với nhau, những yếu tố này thỏa mãn tâm lý “khát dữ liệu” của chúng ta theo cách đáng tin cậy và dễ tiêu hóa.
Listicles được trình bày theo dạng các bước và bài viết “làm thế nào” thúc đẩy lưu lượng truy cập nhiều hơn 38% so với các dạng bài viết khác. Những loại tiêu đề này cung cấp cho người đọc khả năng tìm hiểu điều gì đó và cho thấy vấn đề của họ có thể được giải đáp chỉ sau một cú nhấp chuột.
Chiều dài H1
Ngoài việc tạo sự hấp dẫn, dòng tiêu đề của bạn còn phải cho phép người dùng nhanh chóng hiểu được bản chất, nội dung chính của văn bản quảng cáo. Về lý thuyết, công cụ tìm kiếm cũng hoạt động tương tự. Vì vậy, để đáp ứng những yêu cầu trên, bạn cần phải tạo ra điểm hấp dẫn của tiêu đề.
Để hiểu rõ hơn về độ dài H1 lý tưởng, nghiên cứu đã phân tích dữ liệu để xác định các mẫu và xu hướng chính.
Kết quả chính: Tiêu đề dài 10 đến 13 từ thúc đẩy lưu lượng truy cập gấp đôi và nhiều lượt chia sẻ hơn 1,5 lần so với tiêu đề ngắn (<7 từ).
Các tiêu đề dài hơn có thể cung cấp thêm thông tin về nội dung của văn bản quảng cáo. Điều này rất quan trọng, vì nếu không có mối liên hệ nào giữa tiêu đề và nội dung, Google có thể coi nội dung đó là chất lượng thấp. Điều này cũng giải thích tại sao tiêu đề H1 trên 10 từ thường hoạt động tốt hơn (mặc dù điều này không hoàn toàn đúng với tất cả người đọc và loại nội dung).
Tuy nhiên, một thẻ H1 tốt không chỉ là về độ dài. Khi tạo tiêu đề H1, hãy đảm bảo rằng bạn vẫn tập trung vào các yếu tố cốt lõi tạo nên tiêu đề tốt, chẳng hạn như:
- Làm cho thẻ H1 trở nên độc đáo và bao hàm toàn diện ý nghĩa
- Sử dụng số hoặc đại từ nghi vấn
- Mô tả những gì được thảo luận trong nội dung văn bản
- Đảm bảo thẻ H1 nổi bật trên trang
- Giải quyết vấn đề của người dùng
Nghiên cứu của Backlinko năm 2019 cũng cho thấy xu hướng tương tự. Tiêu đề dài hơn nhận được nhiều lượt chia sẻ trên mạng xã hội hơn, với tiêu đề rất dài (14-17 từ) nhận được nhiều hơn 76,7% lượt chia sẻ so với tiêu đề ngắn.
Cấu trúc văn bản
Sau các tiêu đề, nghiên cứu sẽ tập trung vào phân tích cấu trúc của văn bản quảng cáo, cụ thể là độ sâu tiêu đề (sự hiện diện của các thẻ H2, H3 và H4) và sự hiện diện của các danh sách. Thông tin này có thể cung cấp cho bạn một số ý tưởng về cách bố trí văn bản để tăng mức độ tương tác và lưu lượng truy cập.
Phân tích độ sâu tiêu đề
Đầu tiên, Semrush xem xét sự hiện diện của các thẻ H2, H3 và H4 trong các bài viết từ tập dữ liệu của họ:
Kết quả chính: Hơn một nửa số bài đăng có cấu trúc phức tạp (H2 + H3 + H4) có hiệu suất cao.
Từ dữ liệu trên, có thể thấy rằng cấu trúc văn bản ba cấp (H2, H3 và H4) là đủ để chia bất kỳ bài viết nào (thậm chí cả những bài dài hơn) thành các phần có ý nghĩa, cải thiện khả năng đọc và tăng sự hấp dẫn trực quan.
Trên thực tế, cách tiếp cận này được chính Google khuyến nghị, rằng không nên dồn các khối văn bản lớn vào một trang mà “không có đoạn văn, tiêu đề phụ hoặc phân tách bố cục”. Vào tháng 12 năm 2019 John Mueller đã làm rõ hơn vấn đề này khi nói rằng thẻ tiêu đề giúp Google hiểu rõ hơn về nội dung của văn bản và việc tạo khung tốt hơn có ý nghĩa như một giải pháp tiềm năng cho các truy vấn tìm kiếm của người dùng.
Do đó, điều quan trọng là đảm bảo rằng nội dung của bạn được cấu trúc đúng cách. Việc sử dụng đúng các thẻ H2, H3 và H4 cho phép bạn phân đoạn nội dung của mình thành các phần hợp lý, dễ hiểu, chuyển hướng sự chú ý đến các câu hỏi có liên quan của người dùng và làm nổi bật những ý tưởng quan trọng nhất trong văn bản.
Sử dụng danh sách
Đặc điểm tiếp theo mà chúng ta cần xem xét là sự hiện diện của các danh sách (thẻ <ul> và <ol>), sự phân bố của chúng trong một phần nội dung cũng như các xu hướng và hình mẫu đang được ưa chuộng.
Kết quả chính: Các bài đăng chứa ít nhất một danh sách trên mỗi 500 từ văn bản thuần túy nhận được nhiều hơn 70% lưu lượng truy cập so với các bài viết không có danh sách.
Như đã đề cập trong phần đầu bài viết, bộ não con người ưa thích các định dạng danh sách. Trong một nghiên cứu nổi tiếng, nhà khoa học thần kinh nổi tiếng Walter Kintsch phát hiện ra rằng mọi người xử lý thông tin ở định dạng danh sách dễ dàng hơn nhiều so với các mẩu văn bản và dữ liệu hàng loạt.
Không có gì ngạc nhiên khi những phát hiện này cũng được áp dụng cho hoạt động xây dựng nội dung. Danh sách tương thích với khoảng thời gian chú ý ngắn của hầu hết người đọc và cho họ thấy cơ hội có được giải pháp cho câu hỏi của mình trong một số bước nhất định.
Sử dụng thẻ <ul> cũng giúp tối ưu hóa nội dung của bạn cho các công cụ tìm kiếm. Theo Content Marketing Institute, phương pháp này giúp trình thu thập thông tin tìm kiếm xác định các mục trong danh sách dễ dàng hơn và khi được áp dụng cùng với cấu trúc tiêu đề phù hợp, nội dung của bạn đủ điều kiện để trở thành đoạn trích nổi bật của Google.
Nội dung trực quan
Sau khi phân tích rất nhiều đặc điểm và xu hướng của văn bản, nhóm thực hiện quyết định mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình sang cả hình ảnh. Hình ảnh và video đóng một vai trò quan trọng trong cách người đọc cảm nhận và phản hồi với nội dung, cùng tìm hiểu rõ hơn trong phần nội dung bên dưới.
Sử dụng hình ảnh
Đầu tiên, hãy xem xét việc sử dụng hình ảnh trong nội dung:
Kết quả chính: Các bài đăng có một hình ảnh nhận được lưu lượng truy cập cao gấp đôi so với các bài đăng chỉ chứa văn bản. Những văn bản chứa hình ảnh cũng nhận được nhiều hơn 30% lượt chia sẻ và 25% số lượng backlink.
Mặc dù thường bị bỏ qua, nhưng hình ảnh là một yếu tố nội dung quan trọng. Ở cấp độ cơ bản, con người nói chung là sinh vật trực quan và việc sử dụng hình ảnh sẽ làm cho nội dung hấp dẫn hơn đối với người đọc.
Hình ảnh giúp bạn nâng cao và làm rõ thông điệp của mình, làm cho nội dung trở nên đáng nhớ hơn và thu hút sự chú ý của người dùng trong thời gian ngắn. Quan trọng hơn, hình ảnh cũng có thể được tái sử dụng thành nhiều loại phương tiện khác nhau, cho phép bạn điều chỉnh đồ họa của mình cho phù hợp với các nền tảng và đối tượng khác nhau.
Ngoài ra, hình ảnh còn đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho SEO như tăng tiềm năng xếp hạng trong các tìm kiếm hình ảnh, cũng như khả năng tận dụng các công nghệ mới nổi như tìm kiếm trực quan.
Sử dụng video
Ngoài hình ảnh, hãy cùng tìm hiểu xem định dạng video có đáng để đầu tư hay không.
Kết quả chính: Các bài đăng không chứa video nhận được ít lưu lượng truy cập hơn 92% và lượt chia sẻ ít hơn 24% so với các bài đăng có ít nhất một video.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng video trong nội dung ngày càng phổ biến. Theo hãng phim hoạt hình Wyzowl, 86% doanh nghiệp đang sử dụng video làm công cụ tiếp thị vào năm 2021, so với 61% vào năm 2016. Cisco cũng đưa ra dự báo rằng, lưu lượng truy cập video từ internet sẽ chiếm 82% tổng số lưu lượng truy cập internet toàn cầu vào năm 2021, và không ngoa khi nói rằng video chính là tương lai của tiếp thị nội dung.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì video là một công cụ cực kỳ hữu ích và linh hoạt. Về cơ bản, video là công cụ hoàn hảo để phân phối kênh chéo, cho phép bạn chia sẻ video của mình trên nhiều nền tảng. Bạn cũng có thể sử dụng video để giải quyết các nhu cầu khác nhau của người dùng, chẳng hạn như video hướng dẫn, phỏng vấn các chuyên gia/influencer hoặc giới thiệu sản phẩm. Video có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển đổi khách hàng tiềm năng, với hơn một nửa người tiêu dùng sử dụng phương tiện này để tác động đến quyết định mua hàng của họ.
Về mặt SEO, sử dụng video trong các bài đăng có thể tăng mức độ tương tác, tăng đáng kể thời gian trên trang. Nếu bạn lưu trữ video trên trang web của riêng mình (trái ngược với YouTube hoặc Vimeo), bạn cũng có thể thu hút rất nhiều backlink có giá trị.
Kết quả nghiên cứu đã tiết lộ một số xu hướng thú vị liên quan đến các bài viết có hiệu suất cao. Một nội dung tốt cần trả lời chi tiết truy vấn của người đọc, đồng thời có cấu trúc phù hợp và dễ điều hướng. Nó cũng cung cấp hướng dẫn hành động dưới dạng danh sách kiểm tra hoặc cách thực hiện. Hình ảnh và video cũng làm tăng giá trị cho thông tin văn bản mà bạn cung cấp.
Tất nhiên, nghiên cứu này mới chỉ đưa ra những nhận xét chung nhất, hiệu suất nội dung vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào chất lượng cũng như mức độ phù hợp của nó đối với đối tượng của bạn. Hy vọng rằng thông tin được trình bày trong bài viết trên sẽ giúp ích cho chiến lược nội dung của bạn trong tương lai.